Liên hệ trực tuyến
Hotline :
Quảng cáo
Liên kết website
Hướng tới nền công nghiệp thân thiện môi trường
(05-01-2012)

Bài viết này nhằm cung cấp cho độc giả một số thông tin cơ bản về đặc điểm của một nền công nghiệp ít chất thải, cách thức tiếp cận để hướng tới mục tiêu xanh hoá công nghiệp cũng như sự liên hệ tới Việt Nam và đề xuất ban đầu giải pháp Việt Nam cần thực hiện để thúc đẩy ngành công nghiệp theo xu hướng mới này của thế giới.

 

Ngày đăng: 25/08/2010
 

Mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp và vấn đề môi tường phát sinh trong nhiều thập kỷ qua đã có thay đổi đáng kể cả về cách tiếp cận cũng như quan điểm quản lý. Vào những năm của thập kỷ 70 của thế kỷ trước, ngành công nghiệp giải quyết vấn đề môi trường phát sinh bằng các công nghệ xử lý chất thải hay còn gọi là công nghệ cuối đường ống. Vào những năm 1980, đã xuất hiện những ý tưởng kết hợp xử lý cuối đường ống với ngăn ngừa chất thải trong quá trình sản xuất.

Đến những năm 1990, phong trào áp dụng các công cụ quản lý môi trường trong quá trình sản xuất đã trở nên toàn diện hơn, ngành công nghiệp đã quan tâm hơn đến việc giảm nguyên liệu đầu vào trên một đơn vị sản phẩm nhằm giảm nhu cầu về nguyên liệu sản xuất. Vào những năm của thập niên 2000, với những chứng cứ xác đáng về nguyên nhân và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các ngành công nghiệp phải đối mặt với việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua các chính sách tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

Tới cuối những năm 2000, làn sóng công nghiệp ít chất thải, thân thiện môi trường, thường được gọi là công nghiệp xanh, được Cơ quan phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) khởi xướng và nhận được sự hưởng ứng của nhiều nước trên thế giới. Kết quả là nhiều tổ chức, nhóm nước trên thế giới đẩy mạnh cam kết về phát triển công nghiệp theo hướng này.

Khái niệm công nghiệp ít phát thải, thân thiện môi trường

Về khái niệm nền công nghiệp ít phát thải, thân thiện môi trường hay còn được gọi là nền công nghiệp xanh là nền công nghiệp được vận hành tối ưu nhằm tận dụng tối đa nguồn lực để sản sinh ra những sản phẩm có ích cho xã hội, đồng thời qua đó giảm tối đa lượng chất thải phát sinh. Để tiến tới một nền công nghiệp xanh, ngành công nghiệp cần phải chuyển từ tư duy sản xuất công nghiệp truyền thống dựa trên hệ thống sản xuất mở trong đó quá trình sản xuất công nghiệp sử dụng nguyên nhiên vật liệu khai thác từ tự nhiên sản xuất ra sản phẩm, đồng thời, chất thải được thải ra môi trường sang hệ thống sản xuất công nghiệp kín, trong đó, các quá trình sản xuất sử dụng lại chất thải ở mức tối đa, lượng chất thải còn lại được xử lý trước khi quay vòng lại sản xuất hoặc thải ra môi trường. Hệ thống sản xuất công nghiệp kín có thể được diễn ra ở cả cấp độ cơ sở sản xuất, khu cụm và cao hơn nữa trên quy mô toàn ngành. Tại cơ sở sản xuất, doanh nghiệp "xanh hoá" thông qua việc tiếp cận các phương thức quản lý, sản xuất mới như thiết kế xanh, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, hệ thống quản lý môi trường, quay vòng tái chế chất thải, quản lý ô nhiễm cuối đường ống, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo. Các phương thức quản lý, sản xuất mới có thê được tiến hành độc lập hoặc lý tưởng hơn kết hợp với nhau. Đối với khu công nghiệp, các khái niệm khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp thân thiện môi trường, khu công nghiệp hài hoà an sinh xã hội và môi trường đã lần lượt xuất hiện và được ứng dụng trên thực tế. Tuy các khu công nghiệp có tên gọi khác nhau, nhưng đều nhắm tới mục tiêu phát triển bền vững các khu công nghiệp theo hướng mô phỏng hoạt động của một hệ sinh thái tự nhiên trong đó, chất thải của cơ sở sản xuất này có thể trở thành vật liệu sản xuất của cơ sở kia, sao cho chất thải phát sinh từ trong khu trở nên tối thiểu. Trên quy mô ngành công nghiệp, các chính phủ thúc đẩy ngành công nghiệp theo hướng thân thiện môi trường thông các quy định về môi trường, về nghiên cứu khoa học công nghệ, các chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ sạch và các giải pháp khác giảm thiểu chất thải.

Các nước làm gì để giảm thiểu phát thải công nghiệp?

Tại nhiều nước trên thế giới việc hướng nền công nghiệp phát triển theo hướng ít phát thải, thân thiện với môi trường được tiếp cận theo phương pháp "cây gậy và củ cà rốt" truyền thống. "Cây gậy" thường được áp dụng là thắt chặt các quy định luật pháp về bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy các cơ sở công nghiệp phải tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi sang sử dụng các công nghệ mới thân thiện hơn với môi trường.

Đồng thời, Chính phủ có nhiều biện pháp "củ cà rốt" hay chính sách khuyến khích thúc đẩy việc áp dụng tiến bộ khoa học vào các cơ sở công nghiệp nhằm giảm phát thải. Các biện pháp khuyến khích giảm phát thải trong công nghiệp thường được tiếp cận theo hai hướng, hướng tiếp cận theo chương trình và hướng pháp lý, thể chế hoá.

Tại các nước có nền văn hoá phương Tây như Đan Mạch, Úc, Mỹ việc khuyến khích giảm thiểu phát thải thường được tiếp cận theo các chương trình tự nguyện và được áp dụng tương đối thành công. Ví dụ như ở Đan Mạch, chương trình quốc gia về khuyến khích áp dụng công nghệ sạch được áp dụng từ những năm 1990 đối với toàn ngành công nghiệp đã được thực hiện và góp phần chuyển đổi diện mạo của toàn ngành theo hướng thân thiện môi trường. Các chuyên gia của Hiệp hội công nghiệp Đan Mạch cho biết mấu chốt của việc thành công này chính là việc thắt chặt các quy định pháp lý về môi trường, đồng thời với chương trình xây dựng các thí điểm, phổ biến công nghệ sạch cho các ngành công nghiệp. Tại Úc, việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong những năm 1990 thông qua một chương trình quốc gia cũng đã được áp dụng. Tại Mỹ, chương trình thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp sinh thái cũng đã được thực hiện từ cuối những năm 1990 làm dấy lên làn sóng công nghiệp sinh thái ở nhiều quốc gia khác. Trong khi đó, tại các nước thuộc nền văn hoá phương Đông, các biện pháp khuyến khích thường được quy định tại các văn bản luật và chính sách của nhà nước. Ví dụ điển hình là Trung Quốc với Luật Thúc đẩy sản xuất sạch hơn ra đời từ năm 2002. Việc thực thi Luật đã đẩy mạnh việc hình thành mạng lưới các trung tâm tư vấn về sản xuất sạch hơn và việc áp dụng sản xuất sạch hơn tự nguyện tại nước này. Tại một số nước châu Á đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, việc thúc đẩy giảm phát thải trong công nghiệp thường bắt đầu với một chương trình do các nước phát triển hoặc các tổ chức quốc tế khởi xướng, sau khi các dự án rút đi, chính phủ các nước sở tại sẽ tiếp quản thông qua các quy định pháp luật hoặc các văn bản chính sách mang tính khuyến khích, ưu đãi.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lâm Giang
Chuyên viên Vụ Khoa học và Công nghệ
Điều phối viên Hợp phần CPI - Bộ Công Thương
Các bài viết khác:
» Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh tại Việt Nam
» Công ty CP Than Cọc Sáu – Vinacomin: Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
» Than Vàng Danh thân thiện với môi trường
» Quan trắc môi trường TKV 2011
Moi quang cao
Moi quang cao